Ngày 09/9/2013, UBND tỉnh ban hành quyết định số 3185/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN
1. Phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp Long An phù hợp trong tổng thể phát triển công nghiệp của cả nước, vùng và tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Long An; thể hiện những thế mạnh và nét đặc thù riêng của một tỉnh vừa thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vừa thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long.
2. Phát triển nhanh nhưng phải bảo đảm tính đồng bộ, cân đối, hiệu quả giữa sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp với xây dựng vùng nguyên liệu, cơ sở tồn trữ, thương mại hóa, đô thị vệ tinh dịch vụ công nghiệp. Bảo đảm đồng bộ giữa đầu tư vào các vùng – lĩnh vực phát triển mới kết hợp với rà soát, điều chỉnh, sắp xếp, tái cấu trúc các vùng – lĩnh vực đã phát triển, giữa phát triển quy mô sản xuất và tăng cường hàm lượng công nghệ.
3. Phát huy tối đa nội lực (vốn, tay nghề, quản lý, nguyên liệu) kết hợp tích cực thu hút đầu tư ngoại lực nhằm tăng trưởng nhanh và thu hút vốn, công nghệ, mở rộng thị trường.
4. Ưu tiên thu hút đầu tư công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp tiên tiến, công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ. Phát triển công nghiệp -tiểu thủ công nghiệp phải đảm bảo không làm thiệt hại và tổn thương đến môi trường, kinh tế nông nghiệp, du lịch và quốc phòng an ninh.
II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
1. Định hướng tổng quát tầm nhìn đến năm 2030
– Về hướng phát triển chính: công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trong kỳ quy hoạch phát triển với vị trí, vai trò là lĩnh vực kinh tế chủ đạo trong tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, với tốc độ tăng trưởng cao và hợp lý trong từng giai đoạn, hàm lượng công nghệ và độ thân thiện với môi trường ngày càng gia tăng nhằm đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh, đến năm 2020 về cơ bản Long An là tỉnh công nghiệp và đến 2030 phù hợp với cơ cấu kinh tế định hướng của tỉnh là công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.
– Về cơ cấu ngành: trên cơ sở phát triển phù hợp với vị trí địa lý, tiềm năng về tài nguyên, khả năng huy động nguyên liệu, nhân lực, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của tỉnh và trên cơ sở tích cực thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả đầu tư về vốn, công nghệ, lao động chất lượng cao, định hướng tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống, cơ khí chế tác, hóa chất – nhựa, bao bì – in, điện – điện tử, vật liệu xây dựng, công nghiệp phục vụ logistics, công nghiệp năng lượng sạch với quy mô, tốc độ hợp lý, đặc biệt chú trọng phát triển đa dạng các loại hình công nghiệp hỗ trợ.
– Về nhiệm vụ trọng tâm: rà soát, quy hoạch hợp lý và đầu tư hoàn chỉnh các khu, cụm công nghiệp kết hợp với các khu dân cư, khu đô thị dịch vụ công nghiệp và các kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ; kết hợp với việc sắp xếp tái phân bố và cải thiện điều kiện sản xuất tại các tuyến công nghiệp hiện có. Đồng thời, phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên các địa bàn còn lại theo hướng hỗ trợ, vệ tinh cho các vùng kinh tế công nghiệp động lực này.
– Về thu hút và vận dụng các nguồn lực phát triển: một mặt phát huy tối đa nội lực, vận động nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế nói chung và công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp nói riêng; mặt khác tích cực tạo ra môi trường thu hút đầu tư thuận lợi cho phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và các lĩnh vực hỗ trợ công nghiệp gắn liền với thị trường cả nước và quốc tế.
– Về định hướng phát triển đồng bộ với các ngành và lĩnh vực khác: tích cực ứng dụng triển khai công nghệ theo hướng sạch và xanh, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực, kiểm soát và hạn chế tối đa các tác động môi trường; xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu nhằm đảm bảo đồng bộ hóa nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, chủ yếu là lúa, mía, đay, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản; tích cực phát triển ngành xây dựng, thương mại, dịch vụ nhằm hỗ trợ hình thành các khu, cụm công nghiệp, các vùng kinh tế công nghiệp động lực và mở rộng quan hệ thị trường tiêu thụ; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội về giáo dục, y tế, văn hóa tại các khu dân cư và khu đô thị vệ tinh dịch vụ công nghiệp.
2. Định hướng cụ thể đến năm 2020
– Rà soát, quy hoạch phân bố lại các khu, cụm công nghiệp; phối hợp đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn của tỉnh; tổ chức xúc tiến đầu tư vào các khu cụm, ưu tiên cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, cơ khí phục vụ nông nghiệp và linh kiện máy chế biến nông sản thực phẩm, hóa chất – nhựa, công nghiệp hỗ trợ cho 6 lĩnh vực chính (cơ khí, nhựa, bao bì in, dệt, giày da, điện – điện tử); đồng thời tiếp tục cải thiện và tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tiến hành sắp xếp, tái phân bố và cải thiện điều kiện hạ tầng kỹ thuật tại các tuyến công nghiệp hiện có, đặc biệt là tại huyện Bến Lức. Hạn chế việc xây dựng các cơ sở sản xuất ngoài khu, cụm nhằm thuận lợi hơn trong việc cung cấp kết cấu hạ tầng, nâng cao hiệu quả sản xuất và kiểm soát môi trường. Đồng thời quy hoạch phát triển các khu dân cư, khu đô thị vệ tinh dịch vụ công nghiệp phục vụ cho phát triển các khu cụm công nghiệp trên.
– Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, quản lý chất lượng nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm (ISO, SA, GMP, HACCP …), thu hút đầu tư các ngành lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao và thân thiện với môi trường. Sắp xếp, củng cố, cải tiến nâng cao hiệu quả sản xuất các cơ sở sản xuất kinh doanh hiện có. Đồng thời có kế hoạch, tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm trong khu vực đông dân cư ra các khu, cụm công nghiệp, kiểm tra và có biện pháp xử lý mạnh các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
– Phát triển trung tâm khuyến công và các hoạt động khuyến công, năng động trong công tác hướng dẫn, phổ biến các thiết bị và công nghệ mới, hỗ trợ đổi mới trang thiết bị và công nghệ cho các cơ sở sản xuất. Phổ biến các thông tin về khoa học, kỹ thuật và thị trường; tạo điều kiện phát triển mạnh các dịch vụ tư vấn, thẩm định, cải tiến thích nghi và triển khai các công nghệ mới.
– Hỗ trợ xây dựng và quảng bá các thương hiệu mạnh về công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu và xúc tiến đầu tư.
– Hỗ trợ xây dựng và phát triển các làng nghề theo nhiều hình thức đa dạng, tiếp tục vận động thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã các nghề thủ công truyền thống.
– Xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hút, đào tạo lao động các cấp đảm bảo trình độ chuyên môn kỹ thuật và quản lý trong phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp.
– Tích cực huy động vốn từ nhiều nguồn (ngân sách, trong dân, nhà đầu tư, tín dụng, các tổ chức tài chính…) đầu tư vào phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và các khu, cụm công nghiệp, các khu dân cư, khu đô thị vệ tinh. Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng cơ chế chính sách và cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các dự án lớn, có tính chất đòn bẩy phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của tỉnh.
III. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
– Xây dựng ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp là lĩnh vực động lực trong phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời hỗ trợ phát triển thương mại dịch vụ và nông nghiệp, thúc đẩy nhu cầu đào tạo và thu hút nguồn nhân lực trình độ cao, đổi mới công nghệ và quản lý kinh tế – xã hội.
– Phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp hướng đến phát triển bền vững hơn sau năm 2020 trên cơ sở tăng dần hàm lượng công nghệ và tri thức trong sản phẩm, đồng thời tích cực bảo vệ môi trường.
– Phân bố không gian và quy mô phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên cơ sở liên kết thành khối phát triển công nghiệp – đô thị tương hỗ giữa các huyện, thị xã, thành phố, các vùng kinh tế của tỉnh và với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Đến năm 2020:
– Về tốc độ tăng trưởng và cơ cấu trong kinh tế chung: phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm 14,2%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và 14,4%/năm trong giai đoạn 2016-2020, bình quân 14,3% trong 10 năm. Đến năm 2020, với định hướng Long An trở thành tỉnh công nghiệp, cơ cấu khu vực II đến năm này đạt 45% (trong đó công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp chiếm 35%).
– Về cơ cấu công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp: phát huy lợi thế so sánh và khả năng thu hút đầu tư trên địa bàn, tập trung vào các nhóm ngành chủ lực đạt hiệu quả cao, nâng tỷ trọng công nghiệp chế biến lên trên 90% giá trị sản xuất vào năm 2020, trong đó các ngành chủ lực là công nghiệp sản xuất nông sản thực phẩm, công nghiệp cơ khí kết hợp chế tác, công nghiệp nhựa kết hợp bao bì – in, công nghiệp hóa chất; đồng thời giảm dần tỷ trọng của công nghiệp da giày, dệt may; chuẩn bị điều kiện phát triển mạnh hơn công nghiệp điện – điện tử, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp phục vụ logistics, công nghiệp năng lượng sạch. Phấn đấu đến năm 2020, chỉ tiêu giá trị gia tăng (VA) các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tiếp cận 35-40% tổng VA công nghiệp.
– Về hiệu quả đầu tư và hiệu quả sản xuất: phấn đấu tỷ lệ đầu tư thêm/VA dưới 30%, tỷ lệ VA/GO (tổng giá trị sản xuất) đạt trên 25%.
– Về năng suất lao động công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp: phấn đấu nâng giá trị tăng thêm bình quân/lao động công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên 10.000 USD vào năm 2020.
– Về xây dựng khu, cụm công nghiệp: tổng diện tích đất quy hoạch cho khu, cụm công nghiệp trong khoảng 12.500 ha, phấn đấu xây dựng hoàn tất hạ tầng và lấp đầy trên 60% khu, cụm đã có đăng ký đầu tư.
– Về xây dựng đô thị công nghiệp và kết cấu hạ tầng công nghiệp: hình thành 05 khu kinh tế công nghiệp trọng điểm tại thành phố Tân An, huyện Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Hòa với các đô thị hậu cần công nghiệp, đô thị vệ tinh dịch vụ công nghiệp tương thích. Hoàn chỉnh hệ thống giao thông trục thủy bộ nối kết các khu kinh tế công nghiệp trọng điểm, hệ thống giao thông nội bộ khu, cụm công nghiệp, hệ thống cấp điện nước, hệ thống thông tin liên lạc.
– Về xuất khẩu: tỷ trọng hàng chế tạo trong xuất khẩu đạt 50-55%.
– Về nguồn nhân lực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp: thu hút và đào tạo lao động công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp dưới nhiều hình thức (đào tạo nghề, đào tạo thích nghi, đào tạo truyền nghề, đào tạo nâng cao), phấn đấu đạt trên 75% lao động công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp qua đào tạo, trong đó lao động trình độ cao tiếp cận 15%.
– Phấn đấu các doanh nghiệp đổi mới công nghệ và trang thiết bị tăng 18-20%/năm.
– Về môi trường: tỷ trọng doanh nghiệp công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường trên 95%; tỷ trọng rác thải công nghiệp được xử lý, tái chế 90-95%, trong đó bảo đảm các khu cụm công nghiệp thu gom và xử lý 100% chất thải.
b) Đến năm 2030:
– Cơ cấu khu vực II đạt 48-50% (trong đó công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp chiếm gần 40%).
– Tỷ trọng công nghiệp chế biến/tổng GO công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp 95-96%; tỷ trọng VA/GO 32-35%.
– Tốc độ tăng các doanh nghiệp đổi mới công nghệ đạt 20-25%.
– Tỷ trọng hàng chế tạo trong xuất khẩu đạt 70%.
– Lao động công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp qua đào tạo/tổng lao động đạt 80%; lao động trình độ cao/tổng lao động đạt 18-20%.
– Tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường xấp xỉ 100%; tỷ trọng rác thải công nghiệp được xử lý, tái chế tiếp cận 100%.
IV. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC PHÂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP – TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP
1. Ngành chế biến thực phẩm và đồ uống
– Cải thiện điều kiện sản xuất các cơ sở hiện có, xây dựng mới, nâng cấp và mở rộng các cơ sở trong các khu, cụm công nghiệp, đồng thời phải tranh thủ thời cơ đầu tư phát triển mạnh các ngành chế biến.
– Tiếp tục mở rộng về số lượng và chủng loại các sản phẩm tinh chế bằng công nghệ tiên tiến. Ưu tiên phát triển các dự án chế biến có trình độ công nghệ cao, trang thiết bị hiện đại và đồng bộ, sản phẩm đảm bảo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
– Đổi mới trang thiết bị, công nghệ, phát triển công nghệ sinh học trong sơ chế và chế biến nông sản phẩm.
– Phát huy thế mạnh về nguyên liệu, thị trường và nâng cao hiệu quả sản xuất, cải tiến công nghệ, xử lý môi trường.
2. Ngành hóa chất và các sản phẩm hóa chất
– Phát triển công nghiệp dược phẩm kể cả Đông, Tây y. Khuyến khích các thành phần kinh tế trong, ngoài tỉnh và nước ngoài đầu tư sản xuất dược phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng và mẫu mã cạnh tranh với thị trường trong nước và thế giới.
– Đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất các sản phẩm tiêu dùng như sơn các loại, chất tẩy rửa, bột giặt.
– Đầu tư nâng cao sản lượng và chất lượng các sản phẩm hóa chất dùng trong nông nghiệp.
– Tập trung phát triển ngành sản xuất thuốc thú y.
3. Ngành sản xuất dệt – may
– Đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, phát triển sản xuất vải sợi cung cấp cho ngành trang phục.
– Chú trọng công tác thiết kế thời trang, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm phù hợp sức mua và tập quán tiêu dùng của các tầng lớp nhân dân.
– Tăng cường công tác tiếp thị, bán hàng để đảm bảo khả năng cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước.
4. Ngành sản xuất da và giả da
– Tăng cường khâu thiết kế thời trang nhằm tăng súc cạnh tranh trong và ngoài nước.
– Phát triển thêm ngành hàng túi xách có thương hiệu các loại phục vụ nhu cầu nội địa.
– Phát triển mạnh các sản phẩm hỗ trợ cho ngành da, giả da. Đối với ngành thuộc da để làm nguyên liệu, cần tập trung vào cải tiến công nghệ và đưa vào các khu công nghiệp nhằm giám sát môi trường chặt chẽ.
5. Ngành cơ khí
– Đầu tư mở rộng, nâng cấp các cơ sở cơ khí hiện có.
– Đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, gia công, chế tạo sản phẩm cơ khí phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp, máy xay xát, máy công cụ chế biến nông sản phẩm, linh kiện cho máy công cụ các ngành nhựa, vật liệu và công trình xây dựng, bao bì – in, hóa chất.
– Đầu tư xây dựng nhà máy sửa chữa và đóng tàu, sà lan phục vụ cho ngành vận tải, logistics, chú trọng liên doanh liên kết với các đơn vị trong và ngoài nước đóng các loại tàu có trọng tải lớn.
– Ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ mô phỏng, công nghệ điều khiển học, tiến đến phát triển sản xuất các chi tiết cơ kim khí chính xác phục vụ chế tác máy công cụ, y tế, đo lường, điện – điện tử, năng lượng sạch.
6. Ngành sản xuất sản phẩm khoáng phi kim loại, vật liệu xây dựng
– Đối với cơ sở sản xuất gạch ngói, phấn đấu không còn sử dụng lò thủ công, chuyển sang công nghệ tuynel ít gây ô nhiễm môi trường.
– Thu hút đầu tư và phát triển các đa dạng mặt hàng vật liệu xây dựng mới, nhất là sản xuất gạch bằng công nghệ không nung.
– Phát triển các lĩnh vực mới: vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu xây dựng tiền chế, vật liệu xây dựng tương thích nội thất – thiết bị năng lượng sạch.
7. Ngành điện, điện tử
– Đầu tư mở rộng, xây dựng mới các cơ sở sản xuất các mặt hàng điện gia dụng và công nghiệp, động cơ điện các loại với chất lượng cao.
– Gia công lắp ráp các máy móc thiết bị điện tử với công nghệ cao, tiến đến chế tạo một số thiết bị phục vụ ngành điện, liên kết sản xuất các linh kiện điện, điện tử với ngành cơ khí chế tạo và ngành nhựa.
– Tích cực thu hút đầu tư các doanh nghiệp FDI chuyên sản xuất hoặc tham gia vào chuỗi công nghiệp hỗ trợ điện – điện tử. Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tham gia vào chuỗi công nghiệp hỗ trợ điện – điện tử.
– Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tự động hóa, mô phỏng và điều khiển học trong quá trình lắp ráp, làm cơ sở phát triển lên một số thành phẩm điện tử có thương hiệu và thị trường ổn định sau 2020.
8. Ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế và các sản phẩm khác
– Đầu tư cải tiến trang thiết bị và quy mô sản xuất, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm.
– Phát triển các sản phẩm gỗ mỹ nghệ truyền thống.
9. Ngành nhựa
– Đầu tư cải tiến trang thiết bị và quy mô sản xuất.
– Đầu tư các cơ sở mới có công nghệ hiện đại cho các sản phẩm chất lượng cao.
– Phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có liên quan đến ngành nhựa là thế mạnh trên địa bàn.
10. Ngành giấy
– Đầu tư cải tiến trang thiết bị và quy mô sản xuất các cơ sở hiện có trên cơ sở cân đối với vùng đay nguyên liệu, giám sát nghiêm ngặt môi trường.
– Đầu tư các cơ sở mới với công nghệ hiện đại trong lĩnh vực bao bì, in.
11. Ngành sản xuất và phân phối điện
– Đảm bảo yêu cầu về điện cho việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh theo từng giai đoạn quy hoạch.
– Tăng và đảm bảo phụ tải, giảm tổn thất công suất, điện năng và tổn thất điện áp trên lưới.
– Phấn đấu đưa số hộ sử dụng điện tăng lên 99,25% năm 2015, 99,7% năm 2020; sản lượng điện tiêu thụ sẽ tăng lên 4.034 GWh vào năm 2015 và 8.158 GWh vào năm 2020. Điện thương phẩm bình quân đầu người năm 2015 đạt 2.123 kWh/người và năm 2020 đạt 4.235 kWh/người.
12. Ngành sản xuất và phân phối nước
– Phấn đấu đạt tỷ lệ 97% dân số được cấp nước hợp vệ sinh vào năm 2015, và 100% vào năm 2020.
– Công suất của các nhà máy nước (kể cả công suất phục vụ cho các khu công nghiệp và các cụm điểm dân cư nhỏ) sẽ tăng từ 90.400 m3/ngày đêm năm 2010 lên 435.000 m3/ngày đêm năm 2020 và 661.000 m3/ngày đêm năm 2030.
13. Ngành công nghiệp liên quan đến tái chế
– Xử lý chất thải rắn kết hợp thu hồi điện năng.
– Tái chế nhựa, plastic.
– Xử lý chất thải rắn thành vật liệu xây dựng nhẹ.
14. Phát triển công nghiệp hỗ trợ
– Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 3 khu, cụm công nghiệp định hướng phát triển chuyên công nghiệp hỗ trợ.
– Xúc tiến thu hút đầu tư và liên kết hợp tác sản xuất với các doanh nghiệp hỗ trợ trong và ngoài địa bàn.
V. PHÁT TRIỂN CÁC KHU, CỤM CÔNG NGHIỆP
1. Mục tiêu chung
– Thu hút các nhà đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp; tổ chức xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp sản xuất đến đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp.
– Tổ chức sản xuất công nghiệp tập trung, tách biệt với các khu dân cư, khu văn hóa, du lịch.
– Các khu, cụm công nghiệp sẽ là hạt nhân hình thành các khu kinh tế công nghiệp trọng điểm góp phần tích cực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh.
– Đảm bảo thực hiện rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn thực hiện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành có liên quan.
a) Khu công nghiệp:
– Diện tích các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An sau khi rà soát còn lại là 28 khu công nghiệp với diện tích là 10.309,14 ha.
– Dự kiến Khu công nghiệp Thế Kỷ sẽ sát nhập vào Khu công nghiệp Hựu Thạnh do cùng chủ đầu tư hạ tầng và 2 khu này nằm kế cận nhau.
– Theo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 của tỉnh, đất khu công nghiệp là 11.964 ha, do đó đến năm 2015, tùy vào tình hình phát triển kinh tế – xã hội và thu hút đầu tư, có thể điều chỉnh thêm 1.645 ha khu công nghiệp theo hạn mức cho phép.
b) Cụm công nghiệp:
Diện tích các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An sau khi rà soát, đã có quyết định thu hồi, đã đề nghị thu hồi và giảm diện tích còn lại 29 cụm diện tích khoảng 3.113,25 ha.
Ngoài ra, dự kiến thành lập thêm 05 cụm công nghiệp.
c) Các cụm, tuyến công nghiệp khác:
– Đối với khu cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp thuộc thị xã Kiến Tường và cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây thuộc huyện Đức Huệ, quy hoạch 2 cụm công nghiệp chuyên hoàn tất hoặc lắp ráp sản phẩm kết hợp với kho vận, khởi động sau năm 2015 và đi vào hoạt động sau năm 2020. Diện tích dự kiến 50 ha/cụm và có khả năng mở rộng lên đến 75 ha/cụm.
– Dự trù quỹ đất 2-5 ha/huyện, thị xã, thành phố làm điểm tập trung các cơ sở tiểu thủ công nghiệp.
– Đối với công nghiệp xay xát, đề nghị quy hoạch các cụm kết hợp tuyến công nghiệp xay xát kết hợp hệ thống kho vựa tại các huyện như sau:
+ Huyện Vĩnh Hưng: cụm kết hợp tuyến công nghiệp xay xát tại xã Tuyên Bình, Tuyên Bình Tây, Khánh Hưng.
+ Huyện Tân Hưng: cụm kết hợp tuyến công nghiệp xay xát dọc kênh Trung Ương.
+ Huyện Thạnh Hóa: cụm kết hợp tuyến công nghiệp dọc kênh Dương văn Dương.
+ Huyện Tân Thạnh cụm kết hợp tuyến công nghiệp xay xát kênh Dương văn Dương và kênh 12.
Mỗi cụm kết hợp tuyến xay xát như trên có quy mô định hình 50 ha. Riêng tại thành phố Tân An, dự trù 5-10 ha dọc sông Bảo Định tại phường Tân Khánh để di dời các doanh nghiệp xay xát.
– Sau năm 2020, phát triển 1 cụm công nghiệp chuyên công nghệ cao tại thành phố Tân An (xã Nhơn Thạnh Trung). Diện tích 50 ha và có khả năng mở rộng lên đến 75 ha.
Theo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 của tỉnh, đất cụm công nghiệp là 3.154 ha. Do đó đến năm 2015, tùy vào tình hình phát triển kinh tế – xã hội và thu hút đầu tư, có thể điều chỉnh thêm 730 ha cụm công nghiệp theo hạn mức cho phép.
d) Các khu kinh tế công nghiệp trọng điểm:
Hệ quả sự hình thành các khu, cụm công nghiệp và các đô thị hậu cần, đô thị vệ tinh dịch vụ công nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu và tổ chức giao lưu vận chuyển mua bán nguyên liệu, thành phẩm công nghiệp sẽ hình thành các khu kinh tế công nghiệp trọng điểm trên các địa bàn cụ thể như sau:
– Huyện Bến Lức: bao gồm 06 khu công nghiệp (Thuận Đạo, Nhựt Chánh, Vĩnh Lộc 2, Thịnh Phát, Phú An Thạnh, Phúc Long) và 05 cụm công nghiệp (Chế biến thực phẩm Vissan, Nhựt Chánh 2, Hiệp Thành, Phong Phú, Quốc Quang). Tổng diện tích quy hoạch sau khi rà soát các khu công nghiệp 1.309 ha, và 277 ha cụm công nghiệp.
– Huyện Đức Hòa: bao gồm 10 khu công nghiệp (Đức Hòa 1, Tân Đức, Xuyên Á, Đức Hòa 3, Thế Kỷ, Tân Phú, Hựu Thạnh, Tân Đô, Hải Sơn, Đại Lộc) và 10 cụm công nghiệp (Liên Hưng, Nhựa Đức Hòa, Hải Sơn, Liên Minh, Hoàng Gia, Đức Thuận, Đức Mỹ, ATAD, Sao Vàng, Liên Á). Tổng diện tích quy hoạch sau khi rà soát các khu công nghiệp 4.340 ha, và 711,67 ha cụm công nghiệp.
– Huyện Cần Giuộc: bao gồm 05 Khu công nghiệp (Tân Kim, Long Hậu, Bắc Tân Tập, Nam Tân Tập, Long Hậu 3) và 05 cụm công nghiệp (Nam Hoa, Tân Phú Thịnh, Hải Sơn, Phát Hải, Caric-Hồng Lĩnh). Tổng diện tích quy hoạch các khu công nghiệp 2.633 ha và 558,6 ha cụm công nghiệp.
– Thành phố Tân An: 01 cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn, diện tích quy hoạch 88 ha. Phát triển thêm 01 cụm công nghiệp chuyên công nghệ cao tại thành phố Tân An (xã Nhơn Thạnh Trung), được nâng cấp từ vườn ươm doanh nghiệp với chức năng: trung tâm chuyển giao công nghệ mới kết hợp với các doanh nghiệp sản xuất sạch và xanh.
– Huyện Cần Đước: bao gồm 03 khu công nghiệp (Thuận Đạo mở rộng, Cầu Tràm, Cầu cảng Phước Đông) và 05 cụm công nghiệp (Long Cang, Long Cang mở rộng, Cảng nước sâu, Bình Tây, Thiên Lộc Thành). Tổng diện tích quy hoạch các khu công nghiệp là 397 ha và các cụm công nghiệp là 1.415,03 ha.
đ) Phát triển tiểu thủ công nghiệp khu vực nông thôn và làng nghề:
– Đối với tiểu thủ công nghiệp khu vực nông thôn: hỗ trợ phát triển quỹ đất, thu hút phát triển tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp quy mô vừa và nhỏ tại khu vực nông thôn. Tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế về tiềm năng nguyên liệu, thị trường và tay nghề.
– Đối với làng nghề: ổn định quy mô và nâng cao hiệu quả, chất lượng, mẫu mã các làng nghề; sắp xếp, tổ chức lại theo mô hình hợp tác xã, nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể, tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới trong các làng nghề.
VI. NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ
– Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển các ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011-2020 là: 91.917 tỷ đồng theo giá hiện hành, trong đó:
+ Giai đoạn 2011-2015 là 37.251 tỷ đồng;
+ Giai đoạn 2016-2020 là 54.666 tỷ đồng.
– Tổng nhu cầu vốn đầu tư phân theo lĩnh vực đầu tư:
+ Phát triển các khu công nghiệp giai đoạn 2011-2020 là 20.143 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2011-2015 là 7.971 tỷ đồng và giai đoạn 2016-2020 là 12.172 tỷ đồng.
+ Phát triển các cụm công nghiệp giai đoạn 2011-2020 là 4.228 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2011-2015 là 1.808 tỷ đồng và giai đoạn 2016-2020 là 2.420 tỷ đồng.
+ Các phân ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011 – 2020 là 67.546 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu vốn đầu tư cho giai đoạn 2011 – 2015 là 27.472 tỷ đồng và giai đoạn 2016 – 2020 là 40.074 tỷ đồng.
ANH MỤC CÁC DỰ ÁN, CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU THU HÚT, ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
STT | Tên dự án | Dự án mới | Công suất | Dự án mở rộng | Công suất |
1 | Nâng cấp các Nhà máy xay xát xuất khẩu | 2011-2015 | 270.000 Tấn/năm | 2017-2020 | 270.000 Tấn/năm |
2 | Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi | 2013-2015 | 300.000 Tấn/năm | 2016-2020 | 600.000 Tấn/năm |
3 | Nhà máy giết mổ gia súc | 2016-2018 | 540.000 con |
|
|
4 | Nhà máy chế biến thủy sản | 2013-2016 | 10.000 Tấn/năm | 2017-2020 | 20.000 Tấn/năm |
5 | Nhà máy chế biến súc sản xuất khẩu | 2015-2017 | 25.000 Tấn/năm | 2017-2018 | 25.000 Tấn/năm |
6 | Nhà máy nước quả cô đặc và purê | 2016-2018 | 3.000 Tấn/năm | 2020-2022 | 3.000 Tấn/năm |
7 | Nhà máy rau quả đóng hộp | 2013-2015 | 5.000 Tấn/năm | 2016-2018 | 10.000 Tấn/năm |
8 | Nhà máy thực phẩm đóng hộp | 2014-2015 | 10.000 Tấn/năm | 2017-2018 | 10.000 Tấn/năm |
9 | Nhà máy sản xuất ván ép MDF | 2007-2008 | 80.000 m2/năm | 2013-2014 | 80.000 m2/năm |
10 | Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn | 2016-2017 | 20.000 m3/năm | 2018-2019 | 20.000 m3/năm |
11 | Nhà máy sản xuất phụ liệu ngành may | 2014-2016 | 40 Triệu sản phẩm/năm | 2017-2019 | 40 Triệu sản phẩm/năm |
12 | Nhà máy sản xuất bao bì các loại | 2014-2015 | 125.000 Tấn/năm | 2014-2015 | 125.000 Tấn/năm |
13 | Nhà máy sản xuất sản phẩm nhựa cao cấp | 2015-2017 | 80.000 Tấn/năm | 2017-2018 | 80.000 Tấn/năm |
14 | Nhà máy đóng và sửa chữa tàu | 2015-2017 | 60 chiếc/năm |
|
|
15 | Nhà máy sản xuất các sản phẩm cơ khí | 2013-2016 | 25.000 Tấn/năm | 2013-2016 | 25.000 Tấn/năm |
16 | Nhà máy cơ khí chính xác | 2015-2016 | 6,5 Triệu sản phẩm/năm | 2015-2016 | 6,5 Triệu sản phẩm/năm |
17 | Nhà máy sản xuất dụng cụ, linh kiện điện | 2014-2016 | 4 triệu sản phẩm/năm | 2014-2016 | 4 triệu sản phẩm/năm |
18 | Nhà máy lắp ráp và chế tạo hàng điện tử | 2013-2015 | 60.000 sản phẩm/năm | 2016-2017 | 60.000 sản phẩm/năm |
19 | Nhà máy sản xuất phân bón | 2014-2015 | 5.000 Tấn/năm | 2017-2018 | 5.000 Tấn/năm |
20 | Nhà máy sản xuất thuốc thú y | 2013-2014 | 7,5 Triệu sản phẩm/năm | 2018-2019 | 7,5 Triệu sản phẩm/năm |
21 | Nhà máy sản xuất sơn các loại | 2014-2015 | 20.000 Tấn/năm | 2016-2017 | 20.000 Tấn/năm |
22 | Nhà máy dược phẩm | 2015-2016 | 1500 Tấn/năm | 2017-2018 | 1500 Tấn/năm |
23 | Nhà máy sản xuất dụng cụ y tế | 2015-2016 | 10 Triệu sản phẩm/năm | 2018-2019 | 10 Triệu sản phẩm/năm |
Cung cấp dịch vụ kế toán thuế trọn gói, dịch vụ thành lập công ty. Hay thay đổi giấy phép kinh doanh công ty như tên, địa chỉ, vốn điều lệ, ngành nghề, tạm ngưng kinh doanh, giải thể công ty.
Nhận thiết kế web trọn gói hay clone web giá rẻ:
Liên hệ 0984.744.591 – 0858.28.10.22 Ms Lan kế toán và cộng sự!
Nguồn: Longan.gov.vn
Ms Lan kế toán
Điều hành chung
Điện thoại: 0984.744.591
( có Zalo)
Ms Ngân
Trợ lý Ms Lan
Điện thoại: 078.333.0247
( có Zalo)
Mr Trần Vương
Chuyên viên gpkd
Điện thoại: 0858.28.10.22
( có Zalo)
CÔNG TY TNHH MAY MẶC VÀ THIẾT KẾ GIA BẢO
CÔNG TY TNHH VẬN TẢI EXPRESSS